30 thg 11, 2008

Happy birthday to Khánh Quỳnh, Quang Huy, Đăng Khoa, Đức Trí and Thái Sơn!

Nhiều bạn trong lớp chúng ta có ngày sinh nhật trong tháng 11 này, thay mặt cho cả lớp,thầy chúc các bạn Khánh Quỳnh, Quang Huy, Đăng Khoa, Đức Trí và Thái Sơn một tuổi mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc cùng người thân và bạn bè, đặc biệt là có một năm học thật thành công!

Bấm play để xem thiệp.

Tả người - một số bài văn hay

Hai tuần qua, chúng ta đã học thể loại văn tả người. Thầy đã lưu ý các bạn rất nhiều về những điều quan trọng khi làm một bài văn hay. Hôm nay, thầy sẽ đăng 2 bài tập làm văn cho các bạn tham khảo. Đọc xong, chúng ta nhớ rút kinh nghiệm, học tập được những cái hay của bài văn. Nhưng nhớ là không "biến" nó thành bài của mình được, vì mỗi người đều có đối tượng miêu tả khác nhau. Dù chung đối tượng miêu tả thì mỗi người cũng có một cách quan sát và nhìn nhận khác nhau, phải không các bạn? Nhớ đấy nhé!
Đề 1: Tả người bạn của em

Năm tháng cứ thế trôi đi, chỉ có thời gian là thước đo tốt nhất cho tình cảm bạn bè. Trong suốt thời gian đó, có lẽ Diệp Anh là người bạn mà em yêu mến nhất, người bạn đã học với em từ suốt năm học lớp ba.

Dáng người Diệp Anh dong dỏng cao, khuôn mặt bầu bĩnh, đầy đặn của bạn hễ ai nhìn đến cũng thấy đáng yêu. Nước da ngăm ngăm đen. Mái tóc dài óng ả. Cặp mắt đen láy lúc nào cũng mở to, tròn xoe như hai hòn bi ve. Chiếc mũi hếch và cái miệng rộng luôn tươi cười để lộ hai hàm răng trắng bóng. Ở Diệp Anh khi nào cũng toát lên vẻ năng động, tự tin, hóm hỉnh và hài hước nên rất dễ mến.

Diệp Anh rất hiếu động, không lúc nào yên nghỉ chân tay. Trong giờ ra chơi, chỗ nào sôi động nhất là ở đó có Diệp Anh. Chúng em thường tụ tập nhóm ba, nhóm bảy ngồi xung quanh bạn Diệp Anh để nghe bạn kể chuyện. Mở đầu câu chuyện, Diệp Anh vẫn thường hay kể: “ Cái hồi xưa ấy, đấy, cái hồi ấy, cái hồi mà bà tớ chưa sinh ra mẹ tớ ấy ...”. Chỉ nghe có đến thế thôi là chúng em đã thấy buồn cười đến nỗi không thể nhịn được rồi mà cái mặt Diệp Anh vẫn cứ tỉnh như bơ. Đặc biệt, Diệp Anh có một trí nhớ rất tốt. Những câu truyện đã đọc hay đã nghe, Diệp Anh đều nhớ như in và kể lại bằng đúng giọng nhân vật nên rất cuốn hút và sinh động. Một mình Diệp Anh đóng đủ các vai, kết hợp với điệu bộ khôi hài khiến bọn em lăn lóc cười đến vỡ bụng.

Diệp Anh luôn luôn làm ra những trò chơi thú vị. Bạn thường hay chơi cùng với chúng em trò bịt mắt bắt dê hay bó khăn. Vừa chạy lại vừa kêu tiếng dê be be nghe rất ngộ nghĩnh. Diệp Anh thường biểu diễn tiếng hát, tiếng ngựa hí và con sóc nâu hay leo trèo. Mỗi tiết mục, Diệp Anh đều được hoan nghênh nhiệt liệt và gây ra những trận cười nứt nẻ. Không chỉ là các bạn gái mà cả các bạn trai ngoài và trong lớp đều yêu mến bạn Diệp Anh. Diệp Anh và em cùng các bạn trong lớp đều có ước mơ là sẽ vào được trường Trần Đại Nghĩa. Mong rằng chúng em sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Rồi mai đây phải xa mái trường thân yêu, em cũng sẽ mang theo nhiều kỷ niệm cùng với những yêu mến của cả lớp với bạn Diệp Anh, một người bạn thật đáng yêu!


Đề 2: Tả một thầy (cô) giáo đã từng dạy em ở những năm học trước.

Năm tháng rồi cũng qua đi, chỉ có thời gian là thước đo tình cảm của con người. Bây giờ tuy đã học lớp 5 - lớp cuối cấp của trường tiểu học, sắp sửa phải tạm biệt mái trường, thầy cô, bạn bè để tiếp bước vào bậc trung học . Nhưng quãng thời gian là năm năm học ở trường, em không sao quên được những kỷ niệm về cô giáo đã dạy em những năm đầu chập chững cắp sách tới trường.

Cô có cái tên rất hay và em cũng rất thích đó là Kim Oanh. Cô là người mẹ hiền dịu nhất trong những ngay fem còn học lớp 1. Với dáng người đậm đà, mái tóc xoăn xoăn màu hạt dẻ thì ai cũng nói nhìn cô trông rất xinh. Cô thường mặc những bộ quần áo lịch sự, phù hợp với dáng người của mình. Ngày đó, em cứ nghĩ cô giáo phải dễ sợ lắm. Nhưng không, cô đã làm tan biến những ý nghĩ vẩn vơ đó của em. Cô vẫn là cô giáo hiền lành, tốt bụng. Với khuôn mặt tròn, phúc hậu, hai gò má cao cao, lúc nào cũng ửng hồng. Mắt cô đen láy, long lanh với hàng lông mi cong vút. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là ánh mắt nhìn trìu mến, bao dung mà cô dành cho chúng em. Mỗi lần không học bài, chỉ cần nhìn vào đôi mắt buồn buồm của cô là bạn ấy hối hận ngay về việc làm của mình. Có lẽ, chính cô là người khơi dậy lòng hăng say học tập của chúng em. Ẩn dưới vầng trán cao cao thông minh ấy là đôi lông mày vòng nguyệt cân đối , tạo cho khuôn mặt vẻ thanh tú.

Cô Oanh là một giáo viên hăng say trong công việc và hết lòng thương yêu học sinh. Tâm hồn cô là cả một khoảng trời chứa chan bao tình yêu cô dành cho chúng em: Nghe cô giảng bài thì thật là thú vị. Cô giảng rất dễ hiểu, dễ nghe nên chúng em luôn tiếp thu được bài. Vào những giờ ra chơi, cô luôn ngồi lại để viết mẫu và chấm bài cho chúng em. Có những hôm cô còn trao đổi cách giảng bài với bạn bè đồng nghiệp. Nếu bạn nào đọc chưa tốt hay viết chưa đúng thì cô luôn sẵn sàng giúp đỡ. Khi cô đã giảng cho bạn nào thì bạn ấy hiểu ngay. Vào những giờ sinh hoạt lớp, cô luôn nhận xét cho từng bạn và nói cho các bạn cách sửa lỗi sai đó. Có hôm cô nhận xét rất tốt về lớp em và em rất nhớ câu: “Tuần qua, các con đã rất cố gắng để nhận cờ Đội. Cô rất vui vì không những các con được nhận cờ tốt mà còn nhận cờ xuất sắc. Cô mong tuần nào các con cũng như vậy”. Và khi đó, lớp em vỗ tay rào rào.

Giờ đây khi đã lên lớp năm, mỗi khi có việc cần đi qua lớp cô, cô lại goi em lại hỏi han. Khi đó, em lại nhớ những giây phút khi còn học lớp 1, được cô yêu thương dạy dỗ. Trong em vang lên lời bài hát: “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương...”.

Vâng! Đúng vậy em sẽ không bao giờ quên cô - người mẹ đã đưa em đón những tia nắng đầu tiên của cuộc đời.


Hy vọng là các bạn sẽ học tập được nhiều điều từ hai bài tập làm văn này, nhất là trong phần tả ngoại hình, cần phải phối hợp tả các chi tiết một cách thật nhịp nhàng, hợp lý. Phần hoạt động, tính tình thì cần đưa ra được những chi tiết nổi bật nhất, từ hoạt động nêu lên được tính tình của người được tả.

Chúc các bạn thành công!


22 thg 11, 2008

Kinh nghiệm thực hiện phép tính với số thập phân

Chúng ta đã làm quen với các phép tính liên quan đến số thập phân. Đối với các bạn, việc thực hiện phép tính với số thập phân không phải là khó. Bởi vì có rất nhiều điểm giống nhau với các phép tính với số tự nhiên. Tuy nhiên, cái mà các bạn thường mắc lỗi nhiều nhất chính là dấu phẩy. Việc quên hay nhầm lẫn vị trí dấu phẩy đều dẫn đến kết quả sai, tức là ta không có điểm trong bài toán đó, dù các bạn có tính toán đúng các chữ số ở dấu phẩy.
Do đó, thầy có một số mẹo vặt sau đây để các bạn làm phép tính một cách chắc chắn hơn:
  • Đối với phép cộng, phép trừ: khi đặt tính ta hãy nhớ câu "thần chú":phẩy ... phẩy ... phẩy. Tức là trước khi đặt tính, các bạn hãy ghi 3 dấu phẩy đầy đủ, thẳng cột với nhau, rồi sau đó tiến hành phép cộng như bình thường:
  • Đối với phép nhân, dù là trường hợp nhân một số thập phân cho một số tự nhiên, hay nhân một số thập phân cho một số thập phân cho một số thập phân, thì ta đều sử dụng được "thần chú": nhân, đếm, đánh. Tức là phép nhân sẽ có 3 bước: đầu tiên là nhân như nhân ở số tự nhiên, bước thứ hai là đếm số chữ số ở phần thập phân của cả 2 thừa số (chỉ đếm ở thừa số nào có phần thập phân), bước thứ ba là đánh dấu phẩy đúng với số chữ số ở phần thập phân đã đếm ở bước 2. Lưu ý: các bạn rất hay quên bước thứ hai và bước thứ ba. Do đó, khi nhân luôn phải nhẩm: nhân, đếm, đánh kiểm tra lại xem mình đã đánh dấu phẩy hay chưa.
Còn một số kinh nghiệm của phép tính chia nữa nhưng hẹn gặp các bạn ở tuần sau, khi ta đã học hết phép chia số thập phân các bạn nhé! Chúc các bạn luôn chính xác khi làm những phép tính liên quan đến số thập phân.

15 thg 11, 2008

Thi văn nghệ

Thế là sau thời gian tập luyện cũng khá dài, lớp chúng ta đã tham dự hội thi văn nghệ chào mừng 20/11. Theo thầy thì các bạn đã thật sự rất cố gắng thể hiện. Kết quả có như thế nào thì cũng không quan trọng. Điều hay nhất là các bạn đã thật sự đoàn kết cùng phối hợp với nhau để tham gia vào phong trào chung của lớp. Đó chính là món quà lớn nhất mà các bạn có thể tặng thầy vào ngày 20/11 đấy.
Mong là ta sẽ nhớ mãi buổi thi văn nghệ này, các bạn nhé!

Tả người cần lưu ý điều gì?

Tuần vừa rồi, các bạn đã bắt đầu bước qua thể loại văn tả người. Trong bài giảng của thầy, cũng như nội dung của bài học trong sách giáo khoa đã nói rất đầy đủ vể dàn bài chung của bài văn tả người. Thế khi tả người, chúng ta cần lưu ý những điều gì?
Thứ nhất, các bạn cần phải quan sát người được tả thật kỹ. Không chỉ quan sát về ngoại hình, chúng ta cần phải lưu ý luôn những thói quen, cử chỉ, hành động và tìm hiểu một cách thật chi tiết về công việc, cách người đó đối xử với mọi người xung quanh.
Một điều quan trọng nữa là ta cần phải chọn từ ngữ thích hợp cho đối tượng miêu tả, tránh sử dụng những từ ngữ dành cho đối tượng này cho đối tượng kia. Ví dụ: ta không thể sử dụng từ "mũm mĩm" để tả khuôn mặt của một người lớn tuổi được, thay vào đó có thể là từ "phương phi", hay "đầy đặn",...
Một điểm nữa cần nhớ là phải tìm được những nét nổi bật của người được tả khác với người khác, nếu ta làm tốt điều này thì bài văn ta không những hay, mà còn thể hiện rõ được sự quan sát khác nhau, cách làm khác nhau của từng bạn dù chung một đối tượng miêu tả. Ví dụ: khi tả cô giáo cũ của mình, có bạn thấy cô đẹp nhất là mái tóc, có bạn lại thấy cô đẹp nhất là nụ cười v.v
Một số điều lưu ý các bạn, mong là các bạn sẽ có nhiềy ý tưởng hơn trong việc quan sát tìm ý để tuần sau ta bắt đầu tập viết đoạn, cũng như viết cả bài các bạn nhé!
Dưới đây là một gợi ý của thầy về dàn ý của đề bài:
Tả người thân của em
Gợi ý:
I. Mở bài:
Giới thiệu người quan tâm, lo lắng nhất cho em là ba (mẹ) hoặc người thân khác có thể giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc bắt đầu bằng một câu ca dao, một lời hát về cha mẹ.
II. Thân bài:
1) Tả ngoại hình:
- Thoáng nhìn, ba (mẹ) trông như thế nào? Ba mẹ bao nhiêu tuổi?
- Ba (mẹ) có dáng người ra sao? Cao, thấp hay tầm thước (vừa người)?
- Ăn mặc như thế nào? (giản dị, lịch sự, cầu kỳ, …) thường mặc những bộ đồ nào? (khi ở nhà, khi làm việc,…)
- Khuôn mặt ba(mẹ) đầy đặn, tròn, hình trái xoan, hình chữ điền, góc cạnh, phương phi, …, (có trang điểm hay không – đối với mẹ), vầng trán cao (thông minh) kết hợp tả với mái tóc dài (thướt tha, dài chấm vai, chấm lưng, buộc gọn gàng) hay ngắn (bồng bềnh, gọn gàng, trông rất nam tính
- Đôi mắt to hay không to, có đeo kính không, cặp chân mày cong, rậm, hay được chăm sóc kỹ, ánh mắt nhìn người khác như thế nào? (trìu mến, dịu dàng, quan tâm, nhìn thẳng vào người khác…)
- Đôi môi như thế nào? Với nụ cười để lộ hàm răng ra sao? v.v
- Điểm nổi bật nhất về ngoại hình của ba (mẹ) hoặc người thân được tả là gì? (nốt ruồi, chiếc răng khểnh, mái tóc dài, đôi mắt to, vóc dáng to lớn, v.v)
2) Tả hoạt động, tính tình: đưa ra nhận xét chung về tính tình rồi mới tả:
- Ba (mẹ) hoặc người thân được tả ăn nói ra sao? cử chỉ như thế nào?
- Những thói quen khi làm việc? Khi ở nhà?
- Công việc chính là gì? Thời gian làm việc ra sao?
- Lo cho gia đình như thế nào? Lo cho em ra sao?
- Đối xử với mọi người như thế nào ? (hàng xóm, bạn bè, những người thân khác trong gia đình?)
- Điều em thích nhất ở ba (mẹ) hoặc người thân?
- Điều em chưa thích ? (nếu có)
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em đối với ba (mẹ) hoặc người thân được tả?
III. Kết bài:
Cảm nghĩ của em về ba (mẹ) hoặc người thân đã tả, nêu những ước mơ, lời hứa bản thân nếu làm kết bài mở rộng.

9 thg 11, 2008

Tham gia các hội thi chào mừng ngày 20/11

Thứ bảy vừa rồi, các bạn đã tham gia các hội thi chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Giữa bữa trưa oi bức, nhưng cả trường chúng ta tham gia rất là đông đúc. Không khí đã nóng lại càng nóng hơn với sự góp mặt của tất cả các khối lớp.
Hội thi Khéo tay kỹ thuật diễn ra ở trên lầu 2, phòng Hội đồng Sư phạm nên có phần yên tĩnh. Nhưng ở dưới nhà ăn và các khu vực hành lang tầng trệt, không còn chỗ nào mà không có mặt của các bạn học sinh. Đúng là không khí của một ngày hội để chào mừng tháng 11, tháng của thầy cô và cũng là của học sinh. Các tác phẩm liên tục được hoàn thành. Nhiều tác phẩm rất đẹp thể hiện rõ học sinh trường chúng ta rất có năng khiếu. Rồi một cơn mưa đột ngột kéo đến, nhưng điều đó không làm giảm niềm hăng say của các nghệ sĩ nhỏ tuổi. Các thầy cô khá vất vả mới thu và phân loại các tác phẩm.
Đối với các bạn lớp 5/2 chúng ta, đây là lần cuối chúng ta tham gia những hội thi như thế này, thầy mong rằng chúng ta sẽ giữ mãi những kỷ niệm này, các bạn nhé!

7 thg 11, 2008

Đội cổ động lớp Năm 2

Tuần qua, lớp chúng ta có nhiều chuyện thật đáng nhớ, phải không các bạn? Không còn áp lực thi cử, các bạn còn được nhận nhiều tin vui liên tiếp. Lớp đạt cờ luân lưu, rồi lại dẫn đầu khối 5 trong Phong trào giữ gìn vệ sinh trường học. Nhưng với thầy, điều đáng ghi nhận nhất là các bạn đã rất cố gắng thay đổi để lớp ta tiến bộ hơn.
Vui nhất vẫn là chuyến đi cổ vũ cho đội tuyển bóng đá của trường. Hôm đó, thật là mệt nhưng bù lại, chính chúng ta đã góp phần không nhỏ, tạo một tinh thần vững vàng cho đội tuyển của trường đạt chức vô địch, phải không nào? Những băng reo "Trưng Trắc, bình tĩnh, tự tin, chiến thắng" liên tục vang dậy trên khán đài, với tiếng trống dồn dập của thầy, cùng tiếng chập cheng của bạn Phong. Khát nước, mệt mỏi, đói bụng, nhưng cuối cùng ai nấy đều dường như quên hết để tập trung cổ vũ cho đội nhà. Tên các cầu thủ trong trường liên tục được hô to "Hải, Hưng, Thiện, Thịnh, Bảo, Khang ơi cố lên". Khán đài không đông đúc nhưng lúc nào cũng thật "nóng" với sự xuất hiện của sắc vàng Trưng Trắc và những tiếng hò reo liên hồi.

Hy vọng thầy trò chúng ta sẽ còn nhiều chuyến đi thật vui, thật hấp dẫn khác các bạn nhé!
Mời các bạn nghe bài hát We are the champion để tận hưởng cảm giác vô địch.

Kết quả thi như vậy, nên vui hay buồn?

Tuần vừa rồi đã có kết quả thi. Đa số các bạn đạt điểm rất tốt làm cho thầy rất vui. Một số bạn điểm số chưa như mong muốn hoặc còn thấp, cũng không sao, các bạn vẫn còn cơ hội ở những kỳ kiểm tra sau. Nhưng nên nhớ cơ hội như vậy là không nhiều đâu nhé!
Tuy nhiên, thầy vẫn thấy có nhiều vấn đề các bạn phải chú ý. Điểm số của các bạn là điểm số làm tròn, nếu chúng ta 10 điểm tức là các bạn vẫn còn sai sót. Thầy mong các bạn không được chủ quan, hãy rà soát lại những lỗi mình mắc phải, từ đó rút kinh nghiệm để không lặp lại sai lầm nhé!
Nếu ba mẹ muốn xem điểm số cụ thể của từng môn, vì trong sổ liên lạc thầy chỉ ghi điểm tổng, thì hãy nói ba mẹ click vào đây.