21 thg 12, 2008

Một số bài tập làm văn tham khảo

Một số bài tập làm văn tham khảo:
Đề: Em hãy tả một người bạn học cùng lớp.
Em có rất nhiều bạn thân đã cùng em vượt qua bao nhiêu khó khăn, vui buồn. Trong đó bạn Tú mập, lớp trưởng lớp em là người bạn mà em có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất.
Em đặt biệt danh cho bạn ấy là Tú mập vì bạn ấy có vóc người mập và hơi lùn một tí. Tú năm nay mười tuổi, bằng tuổi với em. Khuôn mặt bạn ấy đầy đặn và trắng hồng. Em rất thích mái tóc dài của Tú, luôn được chải ngược ra sau, để lộ vầng trán cao đầy vẻ thông minh. Cặp mắt tròn to, sáng như tia nắng mặt trời của bạn luôn làm mọi người chú ý. Mũi của bạn tẹt. Em thường chọc bạn như thế nhưng chỉ thấy bạn cười để lộ hai hàng răng trắng như tuyết. Ở lớp, làm lớp trưởng, nên bạn luôn làm gương, luôn ăn mặc gọn gàng và sạch sẽ.
Tú có lời nói nhẹ nhàng nhưng rất rõ ràng. Tính tình thì hiền lành. Khi làm việc gì thì bạn luôn nhanh nhẹn. Thường ngày bạn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ là một lớp trưởng và cả những công việc mà thầy giao. Đối với bạn bè, bạn luôn nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ các bạn gặp khó khăn trong học tập hay bất cứ chuyện gì khác. Dù lớp em là một lớp khá hiếu động nhưng với các oai của một người lớp trưởng, bạn luôn giúp cho lớp trật tự, đặc biệt là mỗi khi thầy đi vắng.
Chơi với Tú, ai cũng thấy thích dù đó là các bạn nam. Người ta thích bạn vì nhiều lý do, nhưng theo em, điều đáng khâm phục ở bạn là khả năng học tập. Bạn học giỏi đều các môn, chữ đẹp và luôn đạt điểm cao trong các kỳ thi. Với sức học ấy, em tin rằng ước mơ trở thành bác sĩ của bạn sẽ thành sự thật.
Tú là tấm gương sáng để em học hỏi. Nếu mai có xa trường thì em vẫn không bao giờ quên được hình bóng các bạn. Em mong Tú ngày càng học giỏi hơn, thành công hơn. Bạn sẽ luôn là người lớp trưởng tuyệt vời nhất trong mắt em.

Đề: Tả thầy (cô) giáo cũ của em, đã dạy em ở những năm học trước.
Thời tuổi thơ, ai cũng có những ký ức riêng về thầy cô của mình. Em cũng vậy, cô giáo mà em luôn nhớ là cô Phượng, cô giáo dạy chúng em năm lớp Bốn.
Thoáng nhìn, cô rất trẻ và trông như một hoa hậu. Dáng đi cô luôn từ tốn và uyển chuyển, thanh thoát. Lúc nào, cô cũng ăn mặc lịch sự, khi đi dạy cô mặc bộ áo dài và một đôi giày rất hợp thời trang. Khuôn mặt cô luôn tươi tắn, không một nếp nhăn dù cô không còn ở tuổi thanh xuân. Mái tóc xoăn, dày, cột lên rất gọn gàng. Đôi môi đỏ hồng như búp sen vừa hé nở. Đôi mắt cô long lanh như những giọt nước đọng lại trên lá sau cơn mưa. Đôi mắt ấy luôn dành cho học sinh của mình những tình cảm thật trìu mến, thiết tha.
Vì là giáo viên nên cô rất bận rộn trong công việc. Em rất thích cách giảng bài của cô. Với giọng trầm bỗng, những bài học em học từ cô luôn sống động và dễ hiểu. Bài dạy nào cũng cô cũng nhiều ví dụ hay, chỉ cần tập trung lắng nghe là chúng em đã hiểu và thuộc bài ngay tại lớp. Đối với những bạn chưa hiểu bài hay còn chậm, cô luôn từ tốn giảng đi giảng lại cho đến khi nào bạn hiểu mới thôi.
Ngoài việc dạy học, cô còn làm nhiều công tác khác. Em thấy cô làm việc gì cũng rất kỹ càng, chu đáo. Đối với đồng nghiệp, các thầy cô trong khối, cô luôn niềm nở, hòa nhã. Đối với phụ huynh, cha mẹ các bạn trong lớp, cô là người giáo viên rất có uy tín.
Lớp em năm ngoái tham gia nhiều hội thi. Khi lớp không đạt giải cao, không những cô không la mà còn động viên chúng em cố gắng hơn vào những lần sau. Có lẽ vì vậy mà năm nay lên lớp Năm, chúng em đã đạt khá nhiều giải trong các hội thi Chào mừng ngày 20/11. Em nghĩ đó cũng là một món quà ý nghĩa của chúng em tặng cô nhân ngày Nhà giáo.
Đối với em, cô Phượng không chỉ là một giáo viên mà còn là một người mẹ thứ hai của mình. Dù sau này có xa mái trường mến yêu nhưng hình ảnh cô Phượng, “một cô tiên hiền dịu” sẽ mãi in đậm trong tâm trí của em.

Đề: Tả thầy (cô) đang dạy em năm học này
Suốt bốn năm học trước, chúng em đều được học với cô giáo. Nhưng năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Người giáo viên bước vào lớp em đầu năm học là một người thầy. Thầy tên Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên.
Thoáng nhìn, trông thầy thật khỏe mạnh. “Người thanh niên” có vóc dáng cao ráo và vạm vỡ. Thầy luôn ăn mặc giản dị, lịch sự nhưng rất nghiêm trang, không bao giờ cầu kỳ. Khuôn mặt hình chữ điền, bộc lộ vẻ chất phát. Mái tóc thầy đen mun, luôn được cắt ngắn, gọn gàng, trông thật nam tính. Vầng trán cao, biểu lộ sự thông minh, hiểu biết rộng của một người thầy. Cặp lông mày hơi cong, rậm. Đôi mắt to, con ngươi đen láy toát lên vẻ hiền từ nhưng không thiếu sự nghiêm khắc của thầy. Thầy luôn nhìn chúng em bằng ánh mắt trìu mến và thân mật. Mỗi khi cười, điều khiến mọi người chú ý ở thầy đó chính là chiếc răng khểnh rất đặc biệt.
Thầy luôn là một người thầy hiền từ đối với học sinh nhưng cũng rất nghiêm khắc khi chỉ cho chúng em sửa đổi những lỗi sai. Thầy luôn có những biện pháp xử lý rất riêng cho những bạn chưa ngoan nhưng chưa bao giờ đánh hay la rầy các bạn. Khi giảng bài, thầy giảng bằng một giọng trầm ấm, ôn tồn và thật ấm áp. Trong tiết học, thầy luôn nhiệt tình, giảng bài rất kỹ. Những bài học của thầy luôn được lồng vào những ví dụ vui, những mẩu chuyện nhỏ giúp chúng em khắc sâu hơn kiến thức. Nhờ vậy mà chúng em luôn hiểu bài, học và hoàn thành bài của mình ngay tại lớp. Đối với bạn còn yếu, thầy luôn tận tình chỉ bảo, giúp bạn tiến bộ hơn bằng cách thành lập các nhóm bạn học tập. Ở lớp, ai có hoàn cảnh đặc biệt, thầy đều nắm và luôn ân cần động viên các bạn ấy rất kịp thời.
Điều lớp chúng em thích nhất là đã được thầy lập cho một trang blog trên mạng với những thông tin, hình ảnh rất bổ ích. Trang blog được cập nhật thông tin thường xuyên với những kiến thức bổ sung cho bài học, với những bài hát chúng em thích và với cả những hình ảnh thường nhật của chúng em.
Em rất kính trọng và yêu mến thầy. Sau này có xa trường, em sẽ mãi không quên hình ảnh của thầy, một người thầy, một người cha thứ hai của lớp chúng em.

Đề: Tả một người thân đang làm việc (nấu ăn, làm việc nhà,..)
Vào những ngày cuối tuần, cả gia đình em thường sum họp bên nhau. Đó cũng chính là dịp mà cả nhà được thưởng thức những bữa cơm thịnh soạn từ người đầu bếp đảm đang, mẹ của em.
Thứ bảy tuần rồi cũng là một ngày như thế. Mẹ đã đi chợ từ sớm và mua nhiều thức ăn tươi nguyên về. Với bộ đồ mặc ở nhà thật giản dị, mẹ đeo thêm chiếc tạp dề chuẩn bị bước vào bếp. Mái tóc dài thường ngày của mẹ cũng được buộc lên thật gọn. Tất cả đã sẵn sàng, người đầu bếp số 1 của nhà em bắt tay vào việc.
Mẹ bắt đầu chế biến thực phẩm. Mẹ lấy trong túi ra nào là nấm đông cô, hạt sen, cà rốt, gừng, thịt gà và nhiều thứ khác. Rồi bàn tay mẹ thoăn thoắt rửa các loại củ quả và luộc gà. Nồi cơm đã được mẹ nấu từ sớm nên bây giờ đã chín. Trong lúc chờ gà chín thì tiếng gõ thớt vang lên, các loại củ đã được cắt thành hạt lựu và trộn đều trên chiếc thớt gỗ. Gà cũng đã chín tới, tay mẹ đưa chiếc giá trụng vớt thịt gà trông thật điệu nghệ, rồi cắt thành từng miếng vừa ăn. Gương mặt mẹ bây giờ lấm tấm mồ hôi cùng với nhiệt độ càng lúc càng nóng của gian bếp. Công đoạn tiếp theo, mẹ cho cơm, gà và tất cả vào chiên đều. À thì ra đó là món cơm chiên thập cẩm, món mà em thích nhất. Khoảng vài phút sau, cả chảo cơm vàng đều, với đôi tay nhỏ gầy, nhưng chiếc chảo được mẹ đảo lên đảo xuống trông thật thích mắt. Cuối cùng thì món cơm chiên cũng đã hoàn thành với một mùi hương thật hấp dẫn.
Món chính đã xong nhưng không thể thiếu món canh. Mẹ thật nhanh tay bắt nồi nước dùng lên bếp. Nồi nước dùng vừa sôi lên, đầu tiên là thịt bò bằm rồi lần lượt củ sen, hạt sen được bỏ vào thật nhẹ nhàng. Nước càng lúc càng sôi, thỉnh thoảng lại thấy mẹ lấy khăn thấm khô mồ hôi trên trán. Rồi mẹ tắt lửa, nồi canh cũng đã xong. Cả nhà đang rất náo nức chờ để được thưởng thức tài nghệ của người đầu bếp duy nhất của gia đình. Mọi người ăn lấy ăn để, em chợt để ý mẹ mỉm cười khi thấy thành quả của mình được mọi người đón nhận nồng nhiệt.
Những món ăn mẹ nấu rất đặc biệt. Nó như gộp cả đất và trời với nhau. Sự hòa quyện giữa hương thơm và màu sắc của các món ăn làm cho người ăn càng cảm phục công sức của người phụ nữ trong gia đình. Người phụ nữ em kính trọng, yêu quý nhất, mẹ yêu quý của em!

Hy vọng các bạn sẽ học hỏi được một số kinh nghiệm cần thiết để chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ 1 nhé!

7 thg 12, 2008

Cùng hát trong mùa giáng sinh

Giáng sinh gần đến rồi, thật tiếc khi ngày giáng sinh lại rơi vào tuần lễ chúng ta thi học kỳ. Thôi thì đành phải dồn sức cho kỳ thi mà gác đi chuyện vui vẻ nhân dịp Noel! Tuy nhiên, để thư giản trong lúc ôn tập thì không có gì thích hợp hơn là nghe và hát các bài hát giáng sinh, phải không các bạn?

Jingle bells




Dashing through the snow
In a one horse open sleigh
O'er the fields we go
Laughing all the way
Bells on bob tails ring
Making spirits bright
What fun it is to laugh and sing
A sleighing song tonight

Oh, jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh, what fun it is to ride
In a one horse open sleigh
Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh, what fun it is to ride
In a one horse open sleigh

A day or two ago
I thought I'd take a ride
And soon Miss Fanny Bright
Was seated by my side
The horse was lean and lank
Misfortune seemed his lot
We got into a drifted bank
And then we got upsot

Oh, jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh, what fun it is to ride
In a one horse open sleigh
Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh, what fun it is to ride
In a one horse open sleigh yeah

Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh, what fun it is to ride
In a one horse open sleigh
Jingle bells, jingle bells
Jingle all the way
Oh, what fun it is to ride
In a one horse open sleigh



We wish you a Merry Christmas




We wish you a Merry Christmas;
We wish you a Merry Christmas;
We wish you a Merry Christmas and a Happy New Year.
Good tidings we bring to you and your kin;
Good tidings for Christmas and a Happy New Year.

Oh, bring us a figgy pudding;
Oh, bring us a figgy pudding;
Oh, bring us a figgy pudding and a cup of good cheer
We won't go until we get some;
We won't go until we get some;
We won't go until we get some, so bring some out here

We wish you a Merry Christmas;
We wish you a Merry Christmas;
We wish you a Merry Christmas and a Happy New Year.

Các dạng toán tỉ số phần trăm

Các bạn đã học tới các bài toán tỉ số phần trăm. Thế tỉ số phần trăm có những dạng toán gì, có phức tạp không? Bài đăng này sẽ giúp các bạn giải quyết vấn đề này.
3 dạng toán tỉ số %:
Dạng 1: Tính tỉ số % của số này so với số kia:
B1: Chia hai số cần tìm tỉ số
B2: Nhân cho 100 (ngoài nháp)
B3: Ghi kí hiệu %

Ví dụ: Tính tỉ số của số học sinh nữ so với số học sinh cả lớp: 17: 33 = 0,5151
= 51,51%

Dạng 2: Tìm giá trị tỉ số % của một số (tổng):
Lấy số (tổng) đó nhân cho tỉ số phần trăm rồi chia 100.

Ví dụ: Số tiền của bạn A là 500000 đồng. Bạn trích ra 40% để mua sách. Vậy số tiền mua sách sẽ là 40% của 500000 đồng.
500000 x 40:100 = 200000 (đồng)

Dạng 3: Tìm tổng khi biết tỉ số % tương ứng với một số hoặc số đó chiếm bao nhiêu phần trăm của tổng:
Lấy số đó chia cho tỉ số phần trăm rồi nhân cho 100.

Ví dụ: Bạn A để dành một số tiền. Trong đó số tiền bạn định trích ra để mua sách là 200000 đồng, chiếm 40% tổng số tiền bạn có. Vậy tổng số tiền bạn A đã để dành là:
200000: 40 x 100 = 500000 (đồng)

Chúc các bạn thành công khi giải các bài toán liên quan đến tỉ số phần trăm các bạn nhé!

30 thg 11, 2008

Happy birthday to Khánh Quỳnh, Quang Huy, Đăng Khoa, Đức Trí and Thái Sơn!

Nhiều bạn trong lớp chúng ta có ngày sinh nhật trong tháng 11 này, thay mặt cho cả lớp,thầy chúc các bạn Khánh Quỳnh, Quang Huy, Đăng Khoa, Đức Trí và Thái Sơn một tuổi mới thật nhiều niềm vui và hạnh phúc cùng người thân và bạn bè, đặc biệt là có một năm học thật thành công!

Bấm play để xem thiệp.

Tả người - một số bài văn hay

Hai tuần qua, chúng ta đã học thể loại văn tả người. Thầy đã lưu ý các bạn rất nhiều về những điều quan trọng khi làm một bài văn hay. Hôm nay, thầy sẽ đăng 2 bài tập làm văn cho các bạn tham khảo. Đọc xong, chúng ta nhớ rút kinh nghiệm, học tập được những cái hay của bài văn. Nhưng nhớ là không "biến" nó thành bài của mình được, vì mỗi người đều có đối tượng miêu tả khác nhau. Dù chung đối tượng miêu tả thì mỗi người cũng có một cách quan sát và nhìn nhận khác nhau, phải không các bạn? Nhớ đấy nhé!
Đề 1: Tả người bạn của em

Năm tháng cứ thế trôi đi, chỉ có thời gian là thước đo tốt nhất cho tình cảm bạn bè. Trong suốt thời gian đó, có lẽ Diệp Anh là người bạn mà em yêu mến nhất, người bạn đã học với em từ suốt năm học lớp ba.

Dáng người Diệp Anh dong dỏng cao, khuôn mặt bầu bĩnh, đầy đặn của bạn hễ ai nhìn đến cũng thấy đáng yêu. Nước da ngăm ngăm đen. Mái tóc dài óng ả. Cặp mắt đen láy lúc nào cũng mở to, tròn xoe như hai hòn bi ve. Chiếc mũi hếch và cái miệng rộng luôn tươi cười để lộ hai hàm răng trắng bóng. Ở Diệp Anh khi nào cũng toát lên vẻ năng động, tự tin, hóm hỉnh và hài hước nên rất dễ mến.

Diệp Anh rất hiếu động, không lúc nào yên nghỉ chân tay. Trong giờ ra chơi, chỗ nào sôi động nhất là ở đó có Diệp Anh. Chúng em thường tụ tập nhóm ba, nhóm bảy ngồi xung quanh bạn Diệp Anh để nghe bạn kể chuyện. Mở đầu câu chuyện, Diệp Anh vẫn thường hay kể: “ Cái hồi xưa ấy, đấy, cái hồi ấy, cái hồi mà bà tớ chưa sinh ra mẹ tớ ấy ...”. Chỉ nghe có đến thế thôi là chúng em đã thấy buồn cười đến nỗi không thể nhịn được rồi mà cái mặt Diệp Anh vẫn cứ tỉnh như bơ. Đặc biệt, Diệp Anh có một trí nhớ rất tốt. Những câu truyện đã đọc hay đã nghe, Diệp Anh đều nhớ như in và kể lại bằng đúng giọng nhân vật nên rất cuốn hút và sinh động. Một mình Diệp Anh đóng đủ các vai, kết hợp với điệu bộ khôi hài khiến bọn em lăn lóc cười đến vỡ bụng.

Diệp Anh luôn luôn làm ra những trò chơi thú vị. Bạn thường hay chơi cùng với chúng em trò bịt mắt bắt dê hay bó khăn. Vừa chạy lại vừa kêu tiếng dê be be nghe rất ngộ nghĩnh. Diệp Anh thường biểu diễn tiếng hát, tiếng ngựa hí và con sóc nâu hay leo trèo. Mỗi tiết mục, Diệp Anh đều được hoan nghênh nhiệt liệt và gây ra những trận cười nứt nẻ. Không chỉ là các bạn gái mà cả các bạn trai ngoài và trong lớp đều yêu mến bạn Diệp Anh. Diệp Anh và em cùng các bạn trong lớp đều có ước mơ là sẽ vào được trường Trần Đại Nghĩa. Mong rằng chúng em sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Rồi mai đây phải xa mái trường thân yêu, em cũng sẽ mang theo nhiều kỷ niệm cùng với những yêu mến của cả lớp với bạn Diệp Anh, một người bạn thật đáng yêu!


Đề 2: Tả một thầy (cô) giáo đã từng dạy em ở những năm học trước.

Năm tháng rồi cũng qua đi, chỉ có thời gian là thước đo tình cảm của con người. Bây giờ tuy đã học lớp 5 - lớp cuối cấp của trường tiểu học, sắp sửa phải tạm biệt mái trường, thầy cô, bạn bè để tiếp bước vào bậc trung học . Nhưng quãng thời gian là năm năm học ở trường, em không sao quên được những kỷ niệm về cô giáo đã dạy em những năm đầu chập chững cắp sách tới trường.

Cô có cái tên rất hay và em cũng rất thích đó là Kim Oanh. Cô là người mẹ hiền dịu nhất trong những ngay fem còn học lớp 1. Với dáng người đậm đà, mái tóc xoăn xoăn màu hạt dẻ thì ai cũng nói nhìn cô trông rất xinh. Cô thường mặc những bộ quần áo lịch sự, phù hợp với dáng người của mình. Ngày đó, em cứ nghĩ cô giáo phải dễ sợ lắm. Nhưng không, cô đã làm tan biến những ý nghĩ vẩn vơ đó của em. Cô vẫn là cô giáo hiền lành, tốt bụng. Với khuôn mặt tròn, phúc hậu, hai gò má cao cao, lúc nào cũng ửng hồng. Mắt cô đen láy, long lanh với hàng lông mi cong vút. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là ánh mắt nhìn trìu mến, bao dung mà cô dành cho chúng em. Mỗi lần không học bài, chỉ cần nhìn vào đôi mắt buồn buồm của cô là bạn ấy hối hận ngay về việc làm của mình. Có lẽ, chính cô là người khơi dậy lòng hăng say học tập của chúng em. Ẩn dưới vầng trán cao cao thông minh ấy là đôi lông mày vòng nguyệt cân đối , tạo cho khuôn mặt vẻ thanh tú.

Cô Oanh là một giáo viên hăng say trong công việc và hết lòng thương yêu học sinh. Tâm hồn cô là cả một khoảng trời chứa chan bao tình yêu cô dành cho chúng em: Nghe cô giảng bài thì thật là thú vị. Cô giảng rất dễ hiểu, dễ nghe nên chúng em luôn tiếp thu được bài. Vào những giờ ra chơi, cô luôn ngồi lại để viết mẫu và chấm bài cho chúng em. Có những hôm cô còn trao đổi cách giảng bài với bạn bè đồng nghiệp. Nếu bạn nào đọc chưa tốt hay viết chưa đúng thì cô luôn sẵn sàng giúp đỡ. Khi cô đã giảng cho bạn nào thì bạn ấy hiểu ngay. Vào những giờ sinh hoạt lớp, cô luôn nhận xét cho từng bạn và nói cho các bạn cách sửa lỗi sai đó. Có hôm cô nhận xét rất tốt về lớp em và em rất nhớ câu: “Tuần qua, các con đã rất cố gắng để nhận cờ Đội. Cô rất vui vì không những các con được nhận cờ tốt mà còn nhận cờ xuất sắc. Cô mong tuần nào các con cũng như vậy”. Và khi đó, lớp em vỗ tay rào rào.

Giờ đây khi đã lên lớp năm, mỗi khi có việc cần đi qua lớp cô, cô lại goi em lại hỏi han. Khi đó, em lại nhớ những giây phút khi còn học lớp 1, được cô yêu thương dạy dỗ. Trong em vang lên lời bài hát: “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương...”.

Vâng! Đúng vậy em sẽ không bao giờ quên cô - người mẹ đã đưa em đón những tia nắng đầu tiên của cuộc đời.


Hy vọng là các bạn sẽ học tập được nhiều điều từ hai bài tập làm văn này, nhất là trong phần tả ngoại hình, cần phải phối hợp tả các chi tiết một cách thật nhịp nhàng, hợp lý. Phần hoạt động, tính tình thì cần đưa ra được những chi tiết nổi bật nhất, từ hoạt động nêu lên được tính tình của người được tả.

Chúc các bạn thành công!


22 thg 11, 2008

Kinh nghiệm thực hiện phép tính với số thập phân

Chúng ta đã làm quen với các phép tính liên quan đến số thập phân. Đối với các bạn, việc thực hiện phép tính với số thập phân không phải là khó. Bởi vì có rất nhiều điểm giống nhau với các phép tính với số tự nhiên. Tuy nhiên, cái mà các bạn thường mắc lỗi nhiều nhất chính là dấu phẩy. Việc quên hay nhầm lẫn vị trí dấu phẩy đều dẫn đến kết quả sai, tức là ta không có điểm trong bài toán đó, dù các bạn có tính toán đúng các chữ số ở dấu phẩy.
Do đó, thầy có một số mẹo vặt sau đây để các bạn làm phép tính một cách chắc chắn hơn:
  • Đối với phép cộng, phép trừ: khi đặt tính ta hãy nhớ câu "thần chú":phẩy ... phẩy ... phẩy. Tức là trước khi đặt tính, các bạn hãy ghi 3 dấu phẩy đầy đủ, thẳng cột với nhau, rồi sau đó tiến hành phép cộng như bình thường:
  • Đối với phép nhân, dù là trường hợp nhân một số thập phân cho một số tự nhiên, hay nhân một số thập phân cho một số thập phân cho một số thập phân, thì ta đều sử dụng được "thần chú": nhân, đếm, đánh. Tức là phép nhân sẽ có 3 bước: đầu tiên là nhân như nhân ở số tự nhiên, bước thứ hai là đếm số chữ số ở phần thập phân của cả 2 thừa số (chỉ đếm ở thừa số nào có phần thập phân), bước thứ ba là đánh dấu phẩy đúng với số chữ số ở phần thập phân đã đếm ở bước 2. Lưu ý: các bạn rất hay quên bước thứ hai và bước thứ ba. Do đó, khi nhân luôn phải nhẩm: nhân, đếm, đánh kiểm tra lại xem mình đã đánh dấu phẩy hay chưa.
Còn một số kinh nghiệm của phép tính chia nữa nhưng hẹn gặp các bạn ở tuần sau, khi ta đã học hết phép chia số thập phân các bạn nhé! Chúc các bạn luôn chính xác khi làm những phép tính liên quan đến số thập phân.

15 thg 11, 2008

Thi văn nghệ

Thế là sau thời gian tập luyện cũng khá dài, lớp chúng ta đã tham dự hội thi văn nghệ chào mừng 20/11. Theo thầy thì các bạn đã thật sự rất cố gắng thể hiện. Kết quả có như thế nào thì cũng không quan trọng. Điều hay nhất là các bạn đã thật sự đoàn kết cùng phối hợp với nhau để tham gia vào phong trào chung của lớp. Đó chính là món quà lớn nhất mà các bạn có thể tặng thầy vào ngày 20/11 đấy.
Mong là ta sẽ nhớ mãi buổi thi văn nghệ này, các bạn nhé!

Tả người cần lưu ý điều gì?

Tuần vừa rồi, các bạn đã bắt đầu bước qua thể loại văn tả người. Trong bài giảng của thầy, cũng như nội dung của bài học trong sách giáo khoa đã nói rất đầy đủ vể dàn bài chung của bài văn tả người. Thế khi tả người, chúng ta cần lưu ý những điều gì?
Thứ nhất, các bạn cần phải quan sát người được tả thật kỹ. Không chỉ quan sát về ngoại hình, chúng ta cần phải lưu ý luôn những thói quen, cử chỉ, hành động và tìm hiểu một cách thật chi tiết về công việc, cách người đó đối xử với mọi người xung quanh.
Một điều quan trọng nữa là ta cần phải chọn từ ngữ thích hợp cho đối tượng miêu tả, tránh sử dụng những từ ngữ dành cho đối tượng này cho đối tượng kia. Ví dụ: ta không thể sử dụng từ "mũm mĩm" để tả khuôn mặt của một người lớn tuổi được, thay vào đó có thể là từ "phương phi", hay "đầy đặn",...
Một điểm nữa cần nhớ là phải tìm được những nét nổi bật của người được tả khác với người khác, nếu ta làm tốt điều này thì bài văn ta không những hay, mà còn thể hiện rõ được sự quan sát khác nhau, cách làm khác nhau của từng bạn dù chung một đối tượng miêu tả. Ví dụ: khi tả cô giáo cũ của mình, có bạn thấy cô đẹp nhất là mái tóc, có bạn lại thấy cô đẹp nhất là nụ cười v.v
Một số điều lưu ý các bạn, mong là các bạn sẽ có nhiềy ý tưởng hơn trong việc quan sát tìm ý để tuần sau ta bắt đầu tập viết đoạn, cũng như viết cả bài các bạn nhé!
Dưới đây là một gợi ý của thầy về dàn ý của đề bài:
Tả người thân của em
Gợi ý:
I. Mở bài:
Giới thiệu người quan tâm, lo lắng nhất cho em là ba (mẹ) hoặc người thân khác có thể giới thiệu trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc bắt đầu bằng một câu ca dao, một lời hát về cha mẹ.
II. Thân bài:
1) Tả ngoại hình:
- Thoáng nhìn, ba (mẹ) trông như thế nào? Ba mẹ bao nhiêu tuổi?
- Ba (mẹ) có dáng người ra sao? Cao, thấp hay tầm thước (vừa người)?
- Ăn mặc như thế nào? (giản dị, lịch sự, cầu kỳ, …) thường mặc những bộ đồ nào? (khi ở nhà, khi làm việc,…)
- Khuôn mặt ba(mẹ) đầy đặn, tròn, hình trái xoan, hình chữ điền, góc cạnh, phương phi, …, (có trang điểm hay không – đối với mẹ), vầng trán cao (thông minh) kết hợp tả với mái tóc dài (thướt tha, dài chấm vai, chấm lưng, buộc gọn gàng) hay ngắn (bồng bềnh, gọn gàng, trông rất nam tính
- Đôi mắt to hay không to, có đeo kính không, cặp chân mày cong, rậm, hay được chăm sóc kỹ, ánh mắt nhìn người khác như thế nào? (trìu mến, dịu dàng, quan tâm, nhìn thẳng vào người khác…)
- Đôi môi như thế nào? Với nụ cười để lộ hàm răng ra sao? v.v
- Điểm nổi bật nhất về ngoại hình của ba (mẹ) hoặc người thân được tả là gì? (nốt ruồi, chiếc răng khểnh, mái tóc dài, đôi mắt to, vóc dáng to lớn, v.v)
2) Tả hoạt động, tính tình: đưa ra nhận xét chung về tính tình rồi mới tả:
- Ba (mẹ) hoặc người thân được tả ăn nói ra sao? cử chỉ như thế nào?
- Những thói quen khi làm việc? Khi ở nhà?
- Công việc chính là gì? Thời gian làm việc ra sao?
- Lo cho gia đình như thế nào? Lo cho em ra sao?
- Đối xử với mọi người như thế nào ? (hàng xóm, bạn bè, những người thân khác trong gia đình?)
- Điều em thích nhất ở ba (mẹ) hoặc người thân?
- Điều em chưa thích ? (nếu có)
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất của em đối với ba (mẹ) hoặc người thân được tả?
III. Kết bài:
Cảm nghĩ của em về ba (mẹ) hoặc người thân đã tả, nêu những ước mơ, lời hứa bản thân nếu làm kết bài mở rộng.

9 thg 11, 2008

Tham gia các hội thi chào mừng ngày 20/11

Thứ bảy vừa rồi, các bạn đã tham gia các hội thi chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Giữa bữa trưa oi bức, nhưng cả trường chúng ta tham gia rất là đông đúc. Không khí đã nóng lại càng nóng hơn với sự góp mặt của tất cả các khối lớp.
Hội thi Khéo tay kỹ thuật diễn ra ở trên lầu 2, phòng Hội đồng Sư phạm nên có phần yên tĩnh. Nhưng ở dưới nhà ăn và các khu vực hành lang tầng trệt, không còn chỗ nào mà không có mặt của các bạn học sinh. Đúng là không khí của một ngày hội để chào mừng tháng 11, tháng của thầy cô và cũng là của học sinh. Các tác phẩm liên tục được hoàn thành. Nhiều tác phẩm rất đẹp thể hiện rõ học sinh trường chúng ta rất có năng khiếu. Rồi một cơn mưa đột ngột kéo đến, nhưng điều đó không làm giảm niềm hăng say của các nghệ sĩ nhỏ tuổi. Các thầy cô khá vất vả mới thu và phân loại các tác phẩm.
Đối với các bạn lớp 5/2 chúng ta, đây là lần cuối chúng ta tham gia những hội thi như thế này, thầy mong rằng chúng ta sẽ giữ mãi những kỷ niệm này, các bạn nhé!

7 thg 11, 2008

Đội cổ động lớp Năm 2

Tuần qua, lớp chúng ta có nhiều chuyện thật đáng nhớ, phải không các bạn? Không còn áp lực thi cử, các bạn còn được nhận nhiều tin vui liên tiếp. Lớp đạt cờ luân lưu, rồi lại dẫn đầu khối 5 trong Phong trào giữ gìn vệ sinh trường học. Nhưng với thầy, điều đáng ghi nhận nhất là các bạn đã rất cố gắng thay đổi để lớp ta tiến bộ hơn.
Vui nhất vẫn là chuyến đi cổ vũ cho đội tuyển bóng đá của trường. Hôm đó, thật là mệt nhưng bù lại, chính chúng ta đã góp phần không nhỏ, tạo một tinh thần vững vàng cho đội tuyển của trường đạt chức vô địch, phải không nào? Những băng reo "Trưng Trắc, bình tĩnh, tự tin, chiến thắng" liên tục vang dậy trên khán đài, với tiếng trống dồn dập của thầy, cùng tiếng chập cheng của bạn Phong. Khát nước, mệt mỏi, đói bụng, nhưng cuối cùng ai nấy đều dường như quên hết để tập trung cổ vũ cho đội nhà. Tên các cầu thủ trong trường liên tục được hô to "Hải, Hưng, Thiện, Thịnh, Bảo, Khang ơi cố lên". Khán đài không đông đúc nhưng lúc nào cũng thật "nóng" với sự xuất hiện của sắc vàng Trưng Trắc và những tiếng hò reo liên hồi.

Hy vọng thầy trò chúng ta sẽ còn nhiều chuyến đi thật vui, thật hấp dẫn khác các bạn nhé!
Mời các bạn nghe bài hát We are the champion để tận hưởng cảm giác vô địch.

Kết quả thi như vậy, nên vui hay buồn?

Tuần vừa rồi đã có kết quả thi. Đa số các bạn đạt điểm rất tốt làm cho thầy rất vui. Một số bạn điểm số chưa như mong muốn hoặc còn thấp, cũng không sao, các bạn vẫn còn cơ hội ở những kỳ kiểm tra sau. Nhưng nên nhớ cơ hội như vậy là không nhiều đâu nhé!
Tuy nhiên, thầy vẫn thấy có nhiều vấn đề các bạn phải chú ý. Điểm số của các bạn là điểm số làm tròn, nếu chúng ta 10 điểm tức là các bạn vẫn còn sai sót. Thầy mong các bạn không được chủ quan, hãy rà soát lại những lỗi mình mắc phải, từ đó rút kinh nghiệm để không lặp lại sai lầm nhé!
Nếu ba mẹ muốn xem điểm số cụ thể của từng môn, vì trong sổ liên lạc thầy chỉ ghi điểm tổng, thì hãy nói ba mẹ click vào đây.

31 thg 10, 2008

Halloween fashion show!

Ngoài ra, hôm nay, 31.10, các bạn cũng đã có một buổi biểu diễn thời trang thật thú vị đúng không nào? Thời trang chủ đề Halloween do các bạn thiết kế thật ấn tượng làm thầy thật bất ngờ về khả năng sáng tạo của các bạn.


Bên cạnh đó, ta cũng phải hiểu ý nghĩa của Halloween:

"Halloween (hay Hallowe'en) là một ngày lễ hội truyền thống được tổ chức vào đêm ngày 31 tháng 10 hàng năm. Đặc biệt trong ngày này những đứa trẻ sẽ hoá trang trong những bộ trang phục quái lạ đi đến gõ cửa những ngôi nhà để xin bánh kẹo. Ngày lễ này được tổ chức ở các nước phương Tây, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Ireland, Puerto Rico và bắt đầu trở nên phổ biến tại Úc và New Zealand. Nó được người Celt ở Anh, Pháp, Ireland tổ chức để tạ ơn sau mùa thu hoạch. Người Ireland, Scotland, Wales cùng những người nhập cư khác đã mang phiên bản của lễ hội này tới vùng Bắc Mỹ thế kỷ 19.

Biểu tượng của ngày lễ Halloween là những trái bí ngô được khoét theo những khuôn mặt tưởng tượng.

À, các bạn hãy tập hát trước bài hát mình sẽ thi tốp ca nhé!  Click vào allow, rồi click play để tập hát nghen! Có gì khó thì liên hệ với thầy qua điện thoại hen!



Chú mừng sinh nhật 2 bạn Nguyễn Linh,Trung Hiếu

Tháng 10 này, lớp ta có rất vui mừng chào đón ngày sinh nhật của 2 bạn Nguyễn Linh và Trung Hiếu. Thay mặt cho cả lớp thầy chúc 2 bạn thêm một tuổi mới thật nhiều niềm vui và thành công trong cuộc sống, luôn được mọi người yêu mến. (Chờ và bấm play để nhận thiệp sinh nhật của thầy nhé!)

Bản Tuyên ngôn Độc lập

Sáng nay, các bạn đã hoàn thành xong bài kiểm tra giữa kỳ môn Toán, các bạn thấy nhẹ nhõm chưa? Ngoài ra, hôm nay các bạn cũng được học một bài học rất thú vị, đó là bài học lịch sử "Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập". Trong sách giáo khoa cũng có nhiều chi tiết hay về bản Tuyên ngôn nhưng cũng chưa phải là đầy đủ vì thời gian cũng hạn chế. Chính vì vậy, hôm nay thầy sẽ đăng toàn bộ nguyên văn Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta để các bạn tham khảo.

Bấm play để nghe Bác nói, các bạn nhé!

"Hỡi đồng bào cả nước,
Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.
Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ.
Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.
Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.
Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. ”


Thầy mong là các bạn sẽ đọc cũng như nghe được giọng của Bác từ đó hiểu sâu hơn về Bản Tuyên ngôn Độc lập, các bạn nhé!

28 thg 10, 2008

Chúc các bạn làm bài kiểm tra thật tốt!

Thời gian chỉ còn tính bằng giờ là đến ngày kiểm tra giữa kỳ 1, kỳ kiểm tra đầu tiên của năm học. Lớp chúng ta cũng đã ráo riết ôn tập thật tốt để có kết quả khả quan. Tuy nhiên, một vài bạn vẫn chuẩn bị chưa tốt, chưa chủ động trong việc học của mình. Những bạn như thế phải rút kinh nghiệm thôi, vì thời gian bây giờ không còn nhiều.
Nói gì thì nói, thầy lúc nào cũng mong các bạn đạt kết quả tốt nhất, lấy đó làm đòn bẩy để có những kết quả tốt hơn ở những kỳ kiểm tra sau.
Sau kỳ kiểm tra sẽ còn nhiều điều thú vị đang chờ đợi các bạn ở phía trước. Đầu tiên sẽ là lễ hội Halloween. Các bạn đã chuẩn bị hết chưa? Thầy mong rằng sẽ có nhiều điều bất ngờ vào ngày thứ sáu này nhé!
Blog của lớp mình tạm nghỉ trong 2 ngày để các bạn tập trung cho việc ôn thi. Một lần nữa, thầy chúc các bạn thành công trong kỳ kiểm tra lần này!

26 thg 10, 2008

Một bài tập làm văn hay!

Tuần rồi, các bạn làm một đề tập làm văn cũng rất khó "nuốt", Hãy tả một cảnh đẹp ở một địa phương mà em có dịp tham quan". Khó nuốt vì thật ra mà nói tuy là một thành phố lớn nhưng thành phố của chúng ta ít có cảnh đẹp nào thật sự nổi bật như những tỉnh thành khác. Do đó, thầy cũng đã gợi ý các bạn tả các công viên văn hóa trong thành phố như Đầm Sen, Suối Tiên và nhiều gợi ý khác khó hơn như rừng ngập mặn Cần Giờ, hay cảnh trung tâm thành phố về đêm. Khi làm bài đa số các bạn đã chọn Đầm Sen, Suối Tiên vì những nơi đó khá quen thuộc và các bạn sẽ có nhiều ý để tả hơn. Tuy nhiên, vài bạn đã đã chọn ý tưởng rất độc đáo như Quốc Tuấn, Khánh Quỳnh, Ngọc Hân. Các bạn đã chọn những chủ đề là nét đặc trưng rất riêng của thành phố Hồ Chí Minh. Thầy luôn khuyến khích các bạn có những ý tưởng sáng tạo như thế. Sau đây là một bài mà thầy cho là có ý tuởng tốt và lời văn viết rất trôi chảy. Mời các bạn đọc, tham khảo và học tập bài làm của bạn Ngọc Hân:
"Thành phố Hồ Chí Minh có biết bao cảnh đẹp: nào là sông Sài Gòn, các công viên văn hóa,... Nhưng đối với em, cảnh đẹp nhất là lúc Sài Gòn lên đèn vào ban đêm, đặc biệt là đêm giao thừa, 30 Tết. Hôm ấy, ba chở em đi Sài Gòn chơi. Bác mặt trời đã ngủ say, nhường chỗ cho màn đêm huyền ảo bao trùm thành phố. Những ngọn đèn được bật lên, tỏa sáng tựa những vì sao. Hôm nay, không khí trong thành phố khác hẳn mọi ngày. Trời đã tối mà xe cộ vẫn đông đúc, trên vỉa hè, nhiều người đang đi bộ. Tiếng còi xe inh ỏi hòa với tiếng cười nói tạo thành một âm thanh nhộn nhịp làm thành phố ồn ào hẳn lên. Các cửa hàng, hiệu sách... đều đóng cửa. Ai ai cũng đổ xô ra đường để tham quan thành phố vào ngày cuối cùng của năm âm lịch. Các tòa nhà to như những người khổng lồ đứng sừng sững. Những cửa sổ của các ngôi nhà xinh xinh cũng lấp lánh ánh đèn. Hai bên đường, hai hàng cây xanh trải dài, như những chiếc ô khổng lồ xếp thẳng tắp. Trên những chiếc ô ấy, những dây đèn đủ màu liên tục chớp tắt, trồng thật thích mắt.


Rời khỏi cảnh nhộn nhịp ở các phố phường, em bắt gặp sự náo nhiệt và đầy sắc màu của đường hoa Nguyễn Huệ. Trên vỉa hè, người ta trưng bày hoa suốt con đường. Vỉa hè được khoác chiếc áo đủ màu sắc, thật lộng lẫy và rực rỡ dưới trời đêm. Trên đường hoa còn có những cây kiểng được tạo thành nhiều hình thù trông y như thật: rồng, phượng, lân... Đi trên đường mà lòng em thật khâm phục bàn tay của những nghệ nhân đã làm đẹp cho cuộc sống.


Cảnh Sài Gòn lúc lên đèn thật là đẹp, càng đẹp hơn vào những dịp lễ tết. Mong sao, thành phố mình ngày càng đẹp hơn, xứng đáng với danh hiệu "Hòn ngọc Viễn đông".
Thầy mong qua bài văn này các bạn sẽ học tập nhiều điều, đặc biệt là học tập được cách bạn đã sử dụng liên tưởng giúp cho bài văn thêm sinh động. Chúc các bạn ôn tập môn Tiếng Việt thật tốt.

23 thg 10, 2008

Ôn tập giữa kỳ môn Toán

Đáp ứng yêu cầu của một số bạn yêu thích môn Toán, thầy sẽ cố găng đăng một số bài toán để chúng ta cùng nhau tìm hiểu và giải quyết.
Mở đầu sẽ là một bài toán "không khó cũng không dễ" sau đây:
Có hai bao bắp. Bao thứ nhất nhiều hơn bao thứ hai 24 kg. Nếu gấp bao thứ nhất lên 4 lần và bao thứ hai lên 6 lần thì hai bao sẽ nặng bằng nhau. Hỏi mỗi bao nặng bao nhiêu kg?
Bạn nào giải được thì nhớ nêu bước giải trong phần nhận xét nhé! Thầy sẽ nêu đáp án vào tuần sau!
Còn nếu đọc đề mà vẫn chưa giải được, thì mới các bạn giải đề Toán sau đây để phục vụ cho việc ôn tập kiểm tra giữa kỳ.
Chúc các bạn thành công!

20 thg 10, 2008

Cần ôn gì cho kỳ thi giữa kỳ 1?

Trọng tâm ôn tập cho kì kiểm tra giữa kỳ lần này, các bạn sẽ chú ý vào những gì? Đó là câu hỏi mà thầy sẽ trả lời trong bài đăng ngày hôm nay.
Toán:
- Hãy tập trung vào các kỹ năng tính toán với phân số, tính giá trị biểu thức, đổi đơn vị, tìm x (thành phần chưa biết), các bài tập liên quan đến số thập phân
Các bạn đừng xem thường những phần này, vì nó sẽ chiếm số điểm tương đối nhiều trong bài kiểm tra đấy nhé! (khỏang 6-7đ)
- Ôn tập lại các dạng Toán đố quen thuộc như tổng hiệu, tổng tỉ, hiệu tỉ, rút về đơn vị, các bài toán đố liên quan đến phân số.
Tiếng Việt:
- Tập đọc: luyện đọc và trả lời câu hỏi những bài đã đọc.
- Luyện từ câu: xem lại các bài đã học, tập xác định CN,VN.
- Chính tả: ôn luyện từ khó, tập viết một số đoạn trong những bài đọc của môn Tập làm văn.
- Tập làm văn: làm dàn ý, tập làm mở bài gián tiếp, kết bài mở rộng, làm cả bài những đề đã làm, hoặc một số đề thầy gợi ý trong lớp.
Click vào đây để xem một dạng bài kiểm tra gợi ý của môn Toán nhé!
Chúc các bạn làm tốt bài kiểm gợi ý của thầy!

12 thg 10, 2008

Các bạn đang hạnh phúc lắm đấy!

Hôm qua, thầy không đăng bài được vì thầy bận cùng nhà trường có chuyến đi công tác tại huyện Đạ Huai, tỉnh Lâm Đồng.

Các thầy cô đã đến thăm một ngôi trường tình thương được xây dựng bởi lòng hảo tâm, giúp đỡ người khó khăn của một ngôi chùa.


Các em học sinh trong trường chỉ ở lứa tuổi mầm non nhưng đã phải chịu nhiều khó khăn. Có bé thì có đủ cha mẹ, nhưng hoàn cảnh quá nghèo, đường đến trường lại xa, nên phải nhờ nhà chùa giúp đỡ. Có bé thậm chí còn mồ côi cha mẹ, không ai nương tựa. Bởi vậy cho nên, ngôi trường được mang tên nhà trẻ tình thương.

Các thầy cô đều khâm phục những người giáo viên đã hy sinh công sức của mình, góp phần cho ngôi trường được tồn tại, cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt có điều kiện học tập, không phải suốt ngày ở trên nương rẫy hay ở trong rừng với cha mẹ kiếm ăn.

Chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn như vậy, chúng ta mới thấy mình thật hạnh phúc phải không các bạn? Dù mỗi bạn trong lớp chúng ta có khác nhau về nhiều thứ, nhưng chúng ta đều có diễm phúc được đến trường, được sự chăm sóc của ba mẹ, của người thân. Vì thế, các bạn hãy cố gắng nhiều hơn nữa, đừng để hạnh phúc mình đang có được bị ảnh hưởng bởi kết quả học tập của mình, các bạn nhé!

Một số thông tin cần biết thêm về Bác Hồ

2 tuần vừa rồi, các bạn đã được tìm hiểu về Bác Hồ qua bài Lịch sử "Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước" và bài "Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời". Trong quá trình ra đi, bôn ba nhiều nước trên thế giới, sau đó trở về hoạt động tại Việt Nam, Bác đã có rất nhiều tên gọi. Hôm nay, thầy sẽ giới thiệu với các bạn một số tên gọi, bút danh và bí danh của Bác để chúng ta phần nào hiểu thêm về con người suốt đời hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngoài tên gọi Hồ Chí Minh (dùng từ 1942), và tên tự Nguyễn Tất Thành , trong cuộc đời mình, Bác còn có nhiều tên gọi và bí danh khác như Paul Tất Thành (1912); Nguyễn Ái Quốc (từ 1919); Văn Ba (khi làm phụ bếp trên tàu biển, 1911); Lý Thụy ( khi ở Quảng Châu, 1924), Hồ Quang (1938-40), Vương (Wang) (1925-27, 1940), Tống Văn Sơ (1931-33), Trần (1940) (khi ở Trung Quốc); Chín (khi ở Thái Lan, 1928-30) và được gọi là Thầu (ông cụ) Chín; Lin (khi ở Liên Xô, 1934-38); Chen Vang (trong giấy tờ đi đường từ Pháp sang Liên Xô năm 1923); Bác cũng còn được gọi là Bác Hồ, Bok Hồ, Cụ Hồ. Khi ở Việt Bắc, Bác thường dùng bí danh Thu, Thu Sơn và được người dân địa phương gọi là Ông Ké, Già Thu,. Tổng thống Indonesia Sukarno gọi Bác là "Bung Hồ" (Anh Cả Hồ).


Bác còn dùng hơn 50 bút danh khi viết sách, báo: Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn, Nguyễn A.Q, Ng A.Q, Ng. Ái Quốc, N.A.Q, N., Wang, N.K., A.N; P.C. Lin, P.C. Line (1938, Trung Quốc), Line (1938, Trung Quốc), Q.T, Q.TH, Lê Quyết Thắng (1948-50), A.G, X.Y.Z (1947-50), G., Lê Nhân, Lê, Lê Ba, Lê Nông, Lê Thanh Long, L.T., T.L. (1955-69), T.Lan (1955-69), Tuyết Lan, Thanh Lan, Đin (1950-53), Tân Trào, Đ.X (trong chuyên mục "Thường thức chính trị" trên báo Cứu quốc năm 1953), C.B (trên báo Nhân Dân 1951-57), V.K., K.C., C.K., Trần Lực (1948-61), C.S, Chiến Sĩ, Chiến Đấu, La Lập, Nói Thật, Thu Giang, K.V., Thu Giang, Trầm Lam, Luật sư TH. Lam, Nguyễn Kim, K.O, Việt Hồng..v.v.


Suốt đời, Bác đã dành tất cả cho non sông đất nước. Bác không chỉ là người anh hùng của cả dân tộc Việt Nam, mà còn là danh nhân văn hóa thế giới với nhiều câu nói bất hủ:

  • Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?
  • Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
  • Tôi chỉ có một Đảng: Đảng Việt Nam.
  • Không có gì quý hơn độc lập, tự do!
  • Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.
  • Các vua Hùng đã có công dựng nước , Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
  • Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.
  • Hình ảnh miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.
  • Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi Nước nhà đã cho mình những gì, mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho Nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi Nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích Nước nhà mà hy sinh phấn đấu đến chừng nào?
Hy vọng một số thông tin về Bác sẽ giúp chúng ta hiểu thêm đôi nét về Bác, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.


9 thg 10, 2008

Gợi ý làm dàn ý bài văn tả cảnh sông nước

I. Mở bài:
Giới thiệu dòng sông (hay bãi biển) cần tả
- Ở đâu?
- Quan sát vào thời điểm nào trong ngày
(Hoặc có thể đưa ra điểm nổi bật, nổi tiếng nhất của dòng sông hay bãi biển sẽ tả)
II. Thân bài:
* Tả bao quát:
Nhìn từ xa, dòng sông (bãi biển) trông như thế nào?

* Tả chi tiết: 
- Hình dáng: (dài, uốn khúc, thẳng tắp,...)
 - Màu sắc: (sông: màu đỏ nặng phù sa..., biển: màu sắc thay đổi theo sắc mây trời)
 - Cảnh hai bên bờ sông (những lũy tre xanh, những rặng dừa trĩu nặng, nhà cửa ven sông,...) hoặc cảnh trên bãi biển ( bãi cát trải dài, hàng phi lao, hàng dừa, sóng vỗ bờ, gió biển ...)

(sông vào buổi hoàng hôn)
 - Cảnh trên dòng sông (thuyền, ghe, bạn nhỏ tắm sông, lục bình trôi,...) hoặc cảnh trên mặt biển (sóng biển nhấp nhô, thuyền bè chài lưới, những ghềnh đá giữa biển, ...)
 - Hoạt động của con người trên dòng sông hay gần bãi biển: sông (buôn bán tấp nập trên chợ nổi, từng đoàn người trên tài du lịch trên sông,...) hoặc biển (những người dân kéo lưới, những ghe thuyền đầy ắp tôm cá, cảnh họp chợ hải sản tấp nập trên bãi biển v.v)

(chợ nổi)

(kéo lưới)
III. Kết luận:
Cảm nghĩ về dòng sông hoặc bãi biển đã tả.

 

Tin nổi bật ngày 8/10

Như vậy năm học đã đi được gần 2 tháng. Lớp chúng ta đã có với nhau nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm đẹp. Hôm nay, thầy mời các bạn xem một số hình ảnh họat động của lớp trong thời gian vừa qua. À, quên nữa, thầy mong bạn Khánh Ngọc, Trần Linh và Thành Chương mau khỏi bệnh. Các bạn khác nhớ giữ gìn sức khỏe cẩn thận nhé!
Thầy có bài toán, các bạn nếu rãnh hãy giải thử hen:
"Một thùng đựng đầy nước cân nặng 37kg. Nếu đổ bớt đi 2/5 số nước thì thùng nước chỉ còn lại 17kg. Hỏi thùng không đựng nước nặng bao nhiêu kg?"


7 thg 10, 2008

Mẹo vặt: Tìm thành phần chưa biết

Như các bạn đã biết, trong một bài kiểm tra toán, đặc biệt là trong toán lớp 5, không thể thiếu dạng bài tập Tìm x hay chính là Tìm thành phần chưa biết trong phép tính. Nếu nhớ lại được những gì mình đã học, các bạn sẽ thấy bài toán này đã xuất hiện từ lúc ta học lớp 2. Rồi khi lên lớp 4, ta được làm quen với tên gọi của các thành phần trong một phép tính.
Ví dụ trong phép cộng ta có: số hạng + số hạng = tổng, số bị trừ - số trừ = hiệu, thừa số x thừa số = tích, số bị chia : số chia = thương.
Từ đó, các bạn được thầy cô giúp cho tự rút ra quy tắc tìm số hạng chưa biết, số bị trừ chưa biết, số trừ chưa biết, thừa số chưa biết, số bị chia chưa biết, số chia chưa biết.
Nếu đọc hết các quy tắc, học thuộc quy tắc thì rất lâu. Một cách khác là hiểu được ý nghĩa của phép tính rồi suy ngược lại, cách đó cũng hay nhưng chỉ dành cho những bạn thông minh. Có một cách nữa là ta sẽ làm thật nhiều bài ở mỗi dạng, dần dần quen rồi sẽ nhớ, nhưng liệu có hay không các bạn?
Qua kinh nghiệm của thầy cũng như một số anh chị lớp trước thường hay sai dạng bài này, thầy dành cho các bạn một câu "thần chú" như sau: "Cộng thành trừ, trừ thành cộng, nhân thành chia, chia thành nhân, 2 trường hợp đặc biệt"
Hãy áp dụng vào ví dụ sẽ hiểu được thần chú:
X + 4 = 9 --> X= 9 - 4 --> cộng thành trừ
X - 4 = 9 --> x = 9 + 4 --> trừ thành cộng
X x 4 = 9 --> x = 9 : 4 --> nhân thành chia
X : 4 = 9 --> x = 9 x 4 --> chia thành nhân
9 - x = 4 --> x = 9 - 4 --> trường hợp đặc biệt - tìm số trừ
9 : x = 4 --> x = 9 : 4 --> trường hợp đặc biệt - tìm số chia
Đương nhiên, khi bạn đã quen và làm đúng thì ta không cần phải sử dụng thần chú nữa, đúng không nào? Mong các bạn luôn thành công khi làm bài dạng này, một dạng bài luôn có trong bất cứ bài kiểm tra Toán nào đó nghen!





Tin nổi bật 7/10

Hôm nay, lớp chúng ta bắt đầu nuôi heo đất, các bạn hãy cố gắng để dành ít tiền quà sáng để heo không bị đói nghen.

Hy vọng là hôm nay các bạn sẽ không quên cụm từ "answer the call of the nature", để thầy dịch lại lần nữa, "trả lời tiếng gọi của thiên nhiên", khi nhắc tới chuyện của bạn Đức Trí nhé!

Trần Linh đi học lại rồi, nhưng thầy vẫn cứ lo lo, Khánh Ngọc cũng vậy. Cuối cùng cái gì thầy nghi cũng xảy ra, 2 bạn lại không khỏe nữa rồi. Thầy mong rằng 2 bạn sẽ mau chóng bình phục, để còn ôn tập cho kỳ thi sắp tới nữa.

Một tin sốt dẻo nữa là phong trào "bí mật" của lớp ta đã bắt đầu đi vào hoạt động, các bạn đừng bật mí với ai nhé! Bạn nào tham gia nhớ báo cáo, tham khảo với thầy là mình đã làm tới bước nào rồi nghen. Thầy tin là các bạn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thầy giao.
Thể theo yêu cầu, thầy tặng Thái Sơn và cả lớp bài hát Hasta La Vista

6 thg 10, 2008

TIn nổi bật ngày 6/10

Lại một tuần mới bắt đầu! Thế các bạn đã chuẩn bị tinh thần và sức khỏe cho một tuần học tập bận rộn sắp tới chưa?
Sáng nay, chào cờ, điểm thi đua của lớp mình "có vấn đề" phải không các bạn? Cố gắng lên, thầy nghĩ là các bạn sẽ làm được.
Hôm nay, điều đáng lưu tâm nhất là 2 bạn Khánh Ngọc và Trần Linh bị bệnh. Rất may là bạn Khánh Ngọc đã đỡ mệt vào buổi chiều. Các bạn có lo lắng cho bạn Trần Linh không? Thầy nghĩ là các bạn nên quan tâm đến Trần Linh nhiều hơn, giúp đỡ bạn để bạn tiến bộ hơn, nhất là sau khi bạn khỏi bệnh nhé!
Gần thi giữa kỳ rồi, những ai còn chưa hoàn thành những yêu cầu của thầy, chúng ta phải mau chóng lên, chỉ còn 2 tuần nữa thôi đấy!
Trong tuần này, thầy sẽ cho đăng một số bài liên quan đến chuyện ôn tập kiểm tra giữa kỳ, các bạn nhớ đón xem nhé!
À, quên nữa, chiều nay xem món quà của thầy dành cho các anh chị lớp 5/2 cũ, các bạn thấy thế nào, có thích không? Thầy sẽ cố gắng làm những món quà tương tự như vậy, hoặc hay hơn cho các bạn, với một điều kiện, các bạn phải ngoan hơn nữa!
Có bài toán này, nếu không có gì bận rộn, hãy thử giải nghen:
"Một nông trường chăn nuôi có số gà nhiều hơn số vịt là 15450 con. Nếu nông trường đó nhập thêm 520 con vịt thì số vịt bằng 2/3 số gà. Tính xem lúc đầu quầy hàng có bao nhiêu con mỗi loại?"
Bye, mong ngày mai sẽ có nhiều điều thú vị!

3 thg 10, 2008

Rừng Việt Nam

Việt Nam "Rừng vàng, biển bạc", câu nói này cho đến bây giờ vẫn rất chính xác về nguồn tài nguyên mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước chúng ta. Hôm trước, ta đã có dịp tìm hiểu về biển Việt Nam, bài đăng này sẽ cung cấp cho các bạn một số thông tin, hình ảnh về rừng Việt Nam.
Đầu tiên mời các bạn tham quan Rừng Cúc Phương, có diện tích khoảng 22000 ha, thuộc 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Với nhiều giá trị về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hoá, lịch sử nên từ lâu Cúc Phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.



Tiếp theo, thầy trò chúng ta hãy đến ranh giới 2 tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc thăm Rừng cấm và Vườn quốc gia Tam Đảo, có diện tích khoảng 19000 ha. Tài nguyên rừng có trên 620 loài thân cây gỗ và thân thảo, trong đó có 40% là các loại sồi, giẻ. Cây Pơ Mu là loại đặc thù ở đây, một loại gỗ rất quý hiếm.


Đi một quãng đường xa hơn, chúng ta hướng về phía Nam, khu vực Tây Nguyên, đến thăm những chú voi ở bản Đôn, trong khu rừng Yok Đôn thuộc địa phận tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Rừng và vườn quốc gia Yok Đôn có diện tích khá lớn khoảng 113000 ha, với nhiều loại động thực vật phong phú.


Còn nhiều khu rừng nữa, nhưng chúng ta hãy mau chóng trở về thành phố Hồ Chí Minh để thăm khu sinh quyển Rừng Sác, Cần Giờ, một khu rừng ngập mặn đặc thù của Việt Nam.


Chỉ qua một vài khu rừng mà chúng ta vừa tham quan cũng đã thấy được đất nước ta thật diễm phúc khi được tạo hóa ban tặng cho nguồn tài nguyên rừng vô giá như vậy. Nhưng hiện nay, con người nói chung, người dân Việt Nam vẫn chưa có ý thức trong việc bảo vệ rừng.



Điều này đã dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho chính con người chúng ta, những người đã không biết bảo vệ rừng.

(lũ quét)

Thầy mong rằng qua bài đăng này chúng ta sẽ hiểu được rừng Việt Nam đẹp, phong phú và quan trọng như thế nào. Từ đó, mọi người chúng ta hãy có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng nói riêng và giữ được những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác nói chung.
Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ.